"Thuốc nào" để trị tận gốc việc lạm dụng dạy thêm, học thêm?

Thông tư số 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm đã và đang nhận được sự quan tâm từ dư luận xã hội. Nhiều ý kiến ủng hộ tinh thần của Thông tư mới khi bỏ tư duy "không quản được thì cấm" bởi dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, chính đáng của cả người dạy và người học, đồng thời đưa việc dạy thêm trở về đúng nghĩa tự nguyện, hạn chế tình trạng lạm dụng việc dạy thêm, học thêm.

Tuy vậy, các quy định trong Thông tư chưa phải là "liều thuốc" duy nhất để giải quyết triệt để vấn đề mà cần phải đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể trị bệnh tận gốc.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, ngay từ nguyên tắc đã thể hiện quan điểm đúng và trúng, đó là dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện. Tuy vậy, ông Lâm cũng thẳng thắn đánh giá, các quy định trong Thông tư 29 chưa phải là "liều thuốc" để giải quyết triệt để vấn đề lạm dụng dạy thêm, học thêm hiện nay. Lý do là hiện nay, dù đang thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được một chặng đường với yêu cầu mới, đó là giảm nhẹ truyền thụ kiến thức một chiều, thay đổi phương pháp để hình thành, phát triển năng lực học sinh nhưng thực tế các nhà trường, phụ huynh, học sinh vẫn chạy đua với điểm số, thi cử, các loại bằng cấp, chứng chỉ…

Không có bình luận

Đọc thêm