Chuyên gia cho rằng thủ phủ tỉnh thành hậu sáp nhập, ngoài phát triển nhất, còn phải là hạt nhân dẫn dắt mạng lưới đô thị đa trung tâm để thúc đẩy phát triển cân bằng.
Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị các bước để thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh thành, hướng tới giảm số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34. Đây không chỉ là một cuộc cải cách hành chính thông thường, mà là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy quản lý, tối ưu hóa nguồn lực và tạo đà cho phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước sẽ có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh được giữ nguyên trạng là Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại, bao gồm 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ thuộc diện phải sắp xếp. Bài toán hóc búa đặt ra là "thủ phủ" của tỉnh thành mới sẽ được chọn dựa trên những nguyên tắc nào, và lựa chọn đó sẽ định hình tương lai của các địa phương ra sao?
Không có bình luận